Rồng được xem là một con vật huyền thoại, là biểu tượng của sự sinh sôi mạnh mẽ, dưới thời quân chủ rồng được suy tôn là biểu tượng của vương quyền, gắn liền với hình ảnh vua chúa. Theo thiển ý hình ảnh con rồng Việt Nam là sự thể hiện thành công nhất trong nghệ thuật thời Nguyễn, nó không chỉ phụng sự mục đích nghệ thuật mà còn phải tuân thủ những định chế xã hội, những thiết chế văn hóa đương thời. Chính vì vậy mà hình tượng rồng Việt Nam dưới thời Nguyễn rất đa dạng và phong phú.
Vào mỗi thời điểm khác nhau, các nhà khảo cứu nước Nam lại có những nhận xét khác nhau về rồng Việt Nam trong mỹ thuật thời Nguyễn, người thì cho rằng rồng thời Nguyễn chịu ảnh hưởng nặng của rồng đời Thanh bên Tàu: uy nghi, dữ tợn và mang tính áp chế, người thì chứng minh rồng Nguyễn trước sự ảnh hưởng của nghệ thuật Minh Thanh vẫn đứng vững và bay lên từ con rồng truyền thống, nhìn chung nó vẫn khá dung dị, gần gũi.
Về không gian rồng Việt Nam thời Nguyễn xuất hiện nhiều trong các trang trí như đền đài, cung điện, miếu vũ, đình chùa ở trong và ngoài hoàng cung Huế. Nó còn được nhìn thấy trên cửu đỉnh, ngai vàng, bửu tán, án thờ vua quan thời Nguyễn. Rồng làm thành tay núm các con triện, ấn tín, đồ văn phòng tứ bảo, là họa tiết trang trí trên áo quần, mũ mão, giày dép của các bậc đế hậu…hiện nay vẫn còn lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Về chất liệu, rồng Việt Nam thời Nguyễn có thể được đúc bằng đồng, chạm trổ trên đá, điêu khắc trên gỗ, xương, ngà và các loại vàng bạc đá quý. Rồng xuất hiện trên vải lụa trong trang phục, mũ mão của quan, phi tần, ngoài ra rồng còn được làm bằng đất nung, đắp bằng vôi vữa, ghép bằng sành sứ và thủy tinh, làm bằng pháp lam và được trang trí trên các điện, lăng của các vua chúa thời Nguyễn.
Nghệ thuật được thể hiện trên hình ảnh con rồng Việt Nam thời Nguyễn rất đa dạng: chạm lông, chạm nổi, đúc đồng, gia công bằng vàng bạc, đá quý, khảm cẩn bằng trai, sành sứ, dệt thêu trên vải, vẽ bằng bột màu trên giấy, trên đồ sứ, khi thì tạo thành hình khối, lúc lại thể hiện trên bề mặt phẳng, lúc khác lại vẽ chìm dưới lớp men phủ. Nói chung rất là thiên hình vạn trang.
Nhìn chung thì rồng Việt Nam của mỹ thuật thời Nguyễn có sự kế thừa và phát triển từ những thế hệ rồng Việt trước đó, nó là sản phẩm do những nghệ nhân người Việt dưới thời Nguyễn tạo ra nên nó xứng đáng là một bộ phận tố thành của mỹ thuật Việt, văn hóa Việt.
Theo